Kinh nghiệm mua xe hơi tại Mỹ dành cho người mới qua Mỹ. Great tips for buying New or Used cars in the US
Chia sẻ kinh nghiệm mua xe hơi Mới hoặc Đã qua sử dụng tại Mỹ dành cho người mới qua Mỹ
Đây là một số kinh nghiệm nhỏ mình đã trãi qua khi đi mua xe Used (đã qua sử dụng) hoặc áp dụng được với nhu cầu mua xe mới. Mình cũng có khảo sát và tổng hợp thông tin trên mạng để việc mua xe tốt hơn.
1. Nhãn hiệu xe phù hợp túi tiền:
Tất nhiên lựa chọn nhãn hiệu xe là do túi tiền và khả năng chi trả của bạn quyết định thương hiệu và phân hạng loại xe.
Xe Nhật & Hàn thì có: Toyota, Honda, Mazda, Kia, Lexus .v.v.
Xe Mỹ thì có: Ford, Dodge, Chrysler .v.v.v
Xe điện thì có : Tesla .v.v
Tiêu chí đại trà thì đa số khách hàng đều nghĩ xe Nhật bền và tiết kiệm xăng. Xe Mỹ mạnh mẽ nhưng có phần tiêu hao xăng hơn.
2. Giai đoạn khảo sát giá và tìm nơi đặt niềm tin để mua xe:
a. Việc chọn khi nào nên mua xe cũng có lợi cho bạn: chọn mua xe vào cuối năm vì lúc đó đại lý xe đã nhập về đời xe của năm kế tiếp thì bạn sẽ có giá rất tốt cho chiếc xe vì đại lý muốn bán hết xe cũ.
Ví dụ như bạn nên đi coi xe vào tháng 11 và mua xe vào dịp Black Friday hoặc Dịp lễ Giáng Sinh.
Bạn nên đợi đến các ngày lễ lớn bên Mỹ để mua xe vì sẽ được các chương trình giảm giá từ 5 đến 10% hoặc chương trình 0% lãi suất như: Black Friday, Memorial Day, Dependence Day.
*** Thật ra điều này là tương đối thôi, vì việc mua xe là theo tính chất yêu cầu sử dụng: có cần ngay hay chỉ là mua xe vì yêu thích và trãi nghiệm .v.v
b. Bước khảo sát giá (khá quan trọng ở bước này)
Trong bước khảo sát giá này, nếu bạn tin mình thì chúc mừng bạn sẽ tiết kiệm được 50% thời gian mua xe.
Mình nói vậy là vì mua xe tại Mỹ nó hoàn toàn khác cách thức so với khi mua ở việt nam và nó ngốn thời gian công sức nhiều khi là vô lý. Đừng nôn nóng nhé bạn, mình sẽ giải thích ở phần sau thôi.
Khảo sát ở đâu:
· Mình luôn khảo sát giá và tình trạng xe sơ khởi online qua website:
- Cargurus.com
- Facebook store
- Dealer website
_Mình thường ưu tiên chọn Cargurus hơn vì nó cung cấp khá là đầy đủ về thông tin một chiếc xe, cho chúng ta cái nhìn tổng quan về giá thị trường và có công cụ để bạn gửi yêu cầu báo giá trực tiếp tới seller đôi khi là Đại lý chính thức của hãng luôn.
_Facebook Market Place là lựa chọn hai khi mình muốn tìm thêm xe cũ giá tốt.
_Dealer website cũng là nơi có đăng bán xe mới và xe đã qua sử dụng.
Phần khảo sát giá trước này nó giúp bạn tiết kiệm được rất rất nhiều thời gian vì thời gian mà bạn chạy vòng vòng đến các chỗ bán xe dealer mới hay cũ đều tốn từ nữa ngày trở lên và đôi khi bạn không được gì cả ngày vì mong muốn và thực tế xe sẵn có không giống nhau.
Check thông tin gì cơ bản ở website:
Xe cũ thì căn bản thường có 2 loại như
- Used car , xe cũ thông thường chỉ có cam kết không đâm đụng và bảo hành vài tháng .v.v tùy theo nơi bán.
- Certified pre own, nôm na loại này là nơi bán cho bạn thêm gói bảo hành căn bản và bảo đảm cho bạn tình trạng xe 1 hoặc 2 3 năm gì đó. Phụ thuộc vào nơi bán. Cũng mang tính chất marketing để làm hài lòng người mua .
- Tình trạng xe có bị tai nạn hay không , soi hình ảnh xe thật nhiều và ghi chú lại nếu cần.
- Tính năng xe cơ bản hay cao cấp .v.v
- Địa chỉ xem xe xa hay gần
Sau khi có một số thông tin cơ bản theo yêu cầu của bạn thì bạn chọn gửi email yêu cầu báo giá hoặc tìm email của seller để gửi yêu cầu báo giá.
Trong email bạn chỉ cần ghi đơn giản như: bạn thích mẫu xe này , vui lòng báo giá cho tôi giá tốt nhất và nếu ok tôi sẽ đến xem xe .v.v
Thật ra bước email này là để xem thăm dò thái độ của seller thế nào trước khi mình đến xem trực tiếp mẫu xe mình thực sự sẵn sàng mua ngay nếu có giá và thái độ phục vụ ổn.
3. Trực tiếp xem xe, trả giá và lái xe về nhà
Thông thường, khi đi mua xe trực tiếp ở Mỹ thì mất khá nhiều thời gian cho việc đấu trí, chốt giá . Mình đã từng trãi qua gần 8 tiếng đồng hồ mệt mỏi để lái được chiếc xe mong muốn về nhà. (Xe mới thì có thể ít time hơn chút xíu.
Tại sao ư?, mình sẽ mô tả cho bạn hiểu sau đây:
a. Giá niêm yết mà bạn thấy nó chưa phải giá thật mà đằng sau nó còn gánh thêm cả tá chi phí. Những chi phí này tùy theo dealer nó nhào nặn ra và bắt bạn phải gánh vô lý ( điều này xảy ra nhiều hơn nhất là sau Covid year do thiếu xe trầm trọng)
Ví dụ: Chi phí kho bãi, chi phí vận chuyển, gói bảo hành bảo hiểm v.v. mê hồn trận chi phí để moi tiền khách nhé.
b. Ngoài ra nếu bạn mua xe trả góp thì bạn cũng nên tính luôn khoản lãi suất góp theo năm là bao nhiêu, để bạn có thể rõ ràng khoản chi của mình.
Xác định mua xe trả góp, thì bạn trước khi đi xem xe mua xe, bạn nên alo cho công ty bảo hiểm xe bạn đang sử dụng để báo trước cho họ mình muốn mua xe nào v.v. Vì khi bạn ký hợp đồng trả góp bạn cần có ngay số bảo hiểm mới toanh cho chiếc xe bạn chuẩn bị chạy về.
Thông thường bảo hiểm xe dạng trả góp thì bạn bắt buộc phải mua gói bảo hiểm hai chiều.
c. Bắt đầu chu trình mua xe :
*** Điều mình cần quan tâm nhất là giá bán xe cuối cùng hoặc gọi là giá Drive out.
Ví dụ, bạn có 30,000 usd và bạn chỉ quan tâm là làm gì làm bạn chỉ trả đúng số tiền đó để lái xe về *** Ngoại trừ phần thuế là mình phải cộng thêm vào giá cuối cùng, mình thường ráng gài nó giá bao gồm thuế, nếu được ...
- Bạn nên chuẩn bị tầm 3 địa điểm có 3 chiếc xe mà bạn yêu thích nhất để xác định sáng sớm ra khỏi nha, chiều về là mong có xe. Tất nhiên là tương đối, vì đôi khi bạn cần vài ngày để đến trực tiếp, vì thời gian thương lượng, kì kèo rắc rối cho cái túi tiền mong muốn.
- Khi bạn gặp sales man, nhân viên bán: sau màn giao lưu , cung cấp thông tin xe cần mua, điền form đăng ký xin giá .v.v thì nhân viên bán sẽ cho bạn đợi một khoản thời gian như:
_ nếu bạn cần lái thử, thì nhân viên bán sẽ cần time để đi lấy xe , check bằng lái của bạn, ký form cam kết .v.v
_ Bạn nên hỏi kỹ lại nhân viên bán về tình trạng chiếc xe muốn mua, và cần sự bảo đảm về thông tin trung thực của nó khi xuống tiền, có thể là bằng văn bản hoặc điều khoản bảo đảm trong hợp đồng mua bán.
_bạn cần phải đợi nhân viên bán đi xin giá abcd các kiểu khi mình nói cần có giá tốt nhất.
_Trong phần giá cả, bạn cũng cần cung cấp thông tin cho nhân viên bán là bạn sẽ trả hết tiền xe 1 lần, hay là mua xe trả góp như trả trước 25% và thanh toán 75% còn lại trong 3 năm, 5 năm v.v.v Điều này ảnh hưởng đến giá xe và thời gian chờ đợi chốt deal.
4. *** Đây là phần cân não nhất :
Qua kinh nghiệm mua xe nhiều lần, thì mình tin chắc nguyên tắc bán xe của một nhân viên bán hàng ở Mỹ là chơi đòn tâm lý với người mua.
Họ sẽ nhiệt tình, hồ hởi tiếp đón bạn lúc ban đầu. Sau đó là bắt đầu câu giờ, câu thời gian để làm bạn nản ý chí trong việc thương lượng giá cả .
a. Mình đã từng mất gần 1 tiếng chỉ để đợi bạn nhân viên báo được cái giá mà dealer muốn bán. ( chỉ là cái giá nó muốn bán nha, chứ chưa có trả giá gì hết) Thế là mình bỏ đi và nó cũng không níu kéo, thời buổi ít xe mà.
b. Khi bạn có cái giá mà nó muốn bán rồi thì sao?
1 là nó sẽ đưa ra cái giá mà bạn nhìn vô muốn té ghế. Giá nó khác hẳn với những gì bạn thấy khi dealer đăng quảng cáo bán xe. Ví dụ nó đăng 30,000 usd nhưng khi đưa tận tay bạn sẽ là 39,000 usd bao gồm mấy khoản phí tào lao .v.v.v
c. là giá cũng bớt điên loạn, nhưng vẫn chưa đúng cái mà bạn cần.
Nhiêu đây thôi là bắt đầu ngốn thêm thời gian của bạn thêm 1 hai giờ đồng hồ nữa vì bất kì yêu cầu nào mình đưa ra để thương lượng thì nhân viên bán sẽ nói bạn chờ vì phải đi xin giá .v.v. câu giờ lắm nha.
Đây là thủ thuật để làm nản tâm lý, làm xói mòn ý chí của bạn , để bạn rơi vào tâm lý nôn nóng muốn mua được xe mình thích rồi. (Đương nhiên mình thích mình mới kiên nhẫn ngồi đàm phán và sẽ dễ bị mất kiên nhẫn ngoại trừ bạn không quan tâm giá cả).
d. là bạn cứ ráng yêu cầu giá Drive out, giá cuối cùng để thanh toán với nhân viên bán. Nếu bạn cảm thấy chỗ này không nhiệt tình lắm để bán thì hãy nghĩ đến lựa chọn thứ 2 chỗ khác, nếu thời gian đã quá nữa ngày của bạn mà chưa có tín hiệu gì tốt.
5. Thanh toán:
Giả sử bạn đã chốt được xe và thanh toán tiền, thì sẽ có vài lưu ý nho nhỏ cho bạn.
a. Nếu bạn thanh toán tiền mặt toàn bộ giá trị xe, thì bạn sẽ ra Bank mua cái cashier’s check. Thông thường vài ngân hàng sẽ tính phí tầm 10 usd / cashier’s check.
.Cashier’s check là giấy xác nhận bạn có trên tay số tiền mặt, ví dụ 30,000 usd, (thay vì bạn phải cầm theo 1 cục tiền mặt nguy hiểm) Trên Cashier’s check sẽ ghi thông tin bạn và thông tin Bên nhận tiền. Khi đó bạn chỉ cần đưa tờ check cho bên bán, là người ta xử lý hợp đồng và hoàn tất. Sau đó bạn chỉ lái xe về.
.Đương nhiên bạn đưa một cục 30,000usd thanh toán cũng được nha, không thành vấn đề (đôi khi 1 số nơi không nhận vì liên quan đến vấn đề chứng minh nguồn tiền của bạn)
b. Nếu bạn mua xe trả góp thì có 1 số bước nhỏ sau đây:
.Bên bán sẽ kiểm tra điểm tín dụng của bạn Credit score , để xác định xem lãi xuất vay của bạn sẽ là bao nhiêu.
Hợp đồng vay tiền thường 3 – 5 năm.
.Bạn cần mua ngay luôn bảo hiểm xe 2 chiều cho chiếc xe mới ngay tại thời điểm mua, vì người ta muốn tin chắc tài sản vay được bảo đảm 100%.
Tóm lại, trên đây là một số kinh nghiệm và thông tin mình chia sẻ cho bạn nhằm đưa ra một bức tranh tổng thể và bao quát khi đi mua xe tại Mỹ. Có thể áp dụng tương đối cho việc mua xe Mới hoặc xe Đã qua sử dụng – Used car.
Ngoài ra nếu các bạn có các câu hỏi khác hoặc thích mình viết đề tài khác, mời bạn email về cho mình info@lotusinspiration.com
Chúc các bạn 1 ngày mới thật an lành và hạnh phúc.